Dr Ting Hua Sieng
Bác sĩ sản phụ khoa
Nguồn: Shutterstock
Bác sĩ sản phụ khoa
Mang thai thường đi cùng với một chuỗi những cảm xúc trái ngược. Từ cảm giác vui mừng, phấn khích đến lo lắng, không có gì ngạc nhiên khi các bà mẹ tương lai có vô vàn suy nghĩ khi chuẩn bị chào đón đứa con yêu thương của họ đến với thế giới này.
Để giảm bớt lo âu và mang lại sự an tâm về tình trạng phát triển của thai nhi cho các bà mẹ mang thai, có các buổi kiểm tra sàng lọc trước sinh. Hãy tiếp tục đọc để tìm hiểu thêm về những cuộc kiểm tra quan trọng mà mọi bà mẹ tương lai nên lưu ý.
Kiểm tra sàng lọc trước sinh phù hợp với phụ nữ mang thai ở mọi lứa tuổi. Những cuộc kiểm tra sàng lọc này hầu như không hề xâm lấn, và qua chúng, bà mẹ tương lai sẽ có thể nắm được thai kỳ của mình đang diễn biến ra sao.
Ví dụ, kiểm tra sàng lọc trước sinh có thể phát hiện các biến chứng tiềm ẩn trong quá trình mang thai, đặt sức khỏe của cả người mẹ và em bé vào trạng thái nguy cơ. Những xét nghiệm này cũng có thể phát hiện sớm tình trạng dị tật bẩm sinh hay sự bất thường về nhiễm sắc thể.
Việc kiểm tra sàng lọc trước sinh không chỉ dành riêng cho những bà mẹ mới sinh con lần đầu, để họ được an tâm; mà tầm quan trọng của nó áp dụng cho mọi thai kỳ.
Khi trải qua các giai đoạn quan trọng trong từng kỳ mang thai, bạn sẽ sớm nhận ra rằng mỗi tuần trôi qua đều mang ý nghĩa quyết định cho sự phát triển của em bé.
Sự chào đời đủ tháng, lành mạnh, bình thường có thể bị ảnh hưởng do các bệnh tật kinh niên của người mẹ liên quan đến thai kỳ, chẳng hạn như tiểu đường thai kỳ, tiền sản giật (huyết áp cao, phù nề và xuất hiện protein trong nước tiểu), nhiễm trùng và một số loại bệnh tật di truyền. Một số em bé có thể phải được sinh mổ trước ngày dự sinh, do tình trạng huyết áp cao ở người mẹ không thể kiểm soát, hoặc các điều kiện y tế khác ở người mẹ. Những em bé sinh non có xu hướng có nhiều khả năng gặp phải các vấn đề về y tế, chẳng hạn như khó khăn trong việc bú mẹ, khó thở và cân nặng lúc mới sinh quá thấp.
Với các cuộc hẹn khám thai định kỳ và các buổi kiểm tra sàng lọc trước sinh – bao gồm việc kiểm tra huyết áp và que thử nhúng nước tiểu, nhiều biến chứng có thể được phát hiện ở giai đoạn đầu và được điều trị sớm để bảo toàn sức khỏe cho cả người mẹ và đứa bé.
Những tiến bộ y học ngày nay giúp các bác sĩ có thể xác định các nguyên nhân gây lo ngại trong thai kỳ, nhờ sự hỗ trợ của các trang thiết bị y tế hiện đại.
Một số buổi xét nghiệm và kiểm tra sàng lọc trước sinh phổ biến có thể được lên lịch ở các thời điểm khác nhau trong thai kỳ của bạn. Hãy cùng tìm hiểu rõ hơn về một số cuộc kiểm tra trong đó:
Bác sĩ sản phụ khoa sẽ tiến hành siêu âm trong những buổi hẹn khám tiền sản của bạn. Siêu âm được sử dụng để tìm ra, kiểm tra sự phát triển của thai nhi, đo kích thước và cấu trúc cơ thể của bé. Phương pháp này cũng giúp xác định vị trí của nhau thai.
Trong các cuộc hẹn khám thai định kỳ, phương pháp siêu âm doppler cũng được sử dụng. Thiết bị này sử dụng sóng âm thanh để phát hiện sự di chuyển của các mạch máu của thai nhi. Âm thanh nhịp tim của bé – vốn là niềm vui của các bậc cha mẹ, thực chất là các sóng âm được thu lại bởi máy siêu âm Doppler, phát hiện sự di chuyển của dòng máu qua mạch máu của bé.
Trong các cuộc hẹn khám thai định kỳ, các bà mẹ sẽ được cung cấp một chiếc cốc nhựa để lấy một mẫu nước tiểu giữa dòng. Thông qua phương pháp phân tích nhanh mẫu nước tiểu bằng que thử, các tình trạng y khoa phổ biến – như bệnh tiểu đường từ trước, tiền sản giật và nhiễm trùng đường tiểu có thể được phát hiện.
Y tá hoặc bác sĩ sản phụ khoa của bạn sẽ đo huyết áp cho bạn trong các buổi hẹn khám thai. Chỉ số huyết áp cao có thể là một triệu chứng của tiền sản giật, và bác sĩ có khả năng đề nghị các xét nghiệm bổ sung để có được một chẩn đoán chính xác.
Xét Nghiệm Trước Sinh Không Xâm Lấn (NIPT) chỉ bao gồm việc xét nghiệm máu đơn giản cho các bà mẹ mang thai từ tuần thứ 10 của thai kỳ trở đi. Xét nghiệm này hoàn toàn không gây hại đến thai nhi. Từ mẫu máu của người mẹ, phòng thí nghiệm di truyền có khả năng phát hiện lượng DNA tự do cực nhỏ của thai nhi đang hiện diện trong máu của người mẹ. Phương pháp này có thể phát hiện chính xác hội chứng Down và các tình trạng di truyền khác với độ chính xác khoảng 99.5%. Giới tính của thai nhi cũng có thể được xác định qua xét nghiệm này.
Hội chứng Down là một tình trạng di truyền, khi đó người bệnh có thừa một nhiễm sắc thể 21, dẫn đến sự chậm phát triển về thể chất và tinh thần, cũng như bị khuyết tật. Đây là một trong những hội chứng do di truyền/nhiễm sắc thể phổ biến nhất. Nguy cơ em bé chào đời mắc hội chứng Down tăng lên theo độ tuổi của người mẹ.
Phòng Khám Một Cửa Định Giá Rủi Ro Hội Chứng Down (Down Sydrome One-Stop Clinic for Assessment of Risk) – gọi tắt là xét nghiệm OSCAR, bao gồm siêu âm đo độ mờ da gáy – phương pháp được tiến hành ở tuần thai từ 11 – 13, kèm theo một cuộc xét nghiệm máu trong phòng thí nghiệm. Nó bao gồm việc đo độ dày của phần độ mờ da gáy ở phía sau cổ của thai nhi. Độ chính xác của phương pháp này là khoảng 80%, và hoàn toàn không gây nguy cơ tổn hại cho thai nhi.
Như tên gọi của nó, Xét Nghiệm Dung Nạp Đường Uống (OGTT) đo lường khả năng xử lý glucose của cơ thể bạn. Trong quá trình xét nghiệm này, máu của bạn sẽ được lấy 3 lần ở các khoảng thời gian cách nhau 1 tiếng, nhằm đo lượng đường huyết lúc bụng đói cũng như khả năng dung nạp glucose của cơ thể sau khi uống dung dịch glucose. Xét nghiệm sẽ giúp phát hiện liệu bạn có bị tiểu đường, tiền tiểu đường, hoặc tiểu đường thai kỳ hay không. Nếu bất kỳ tình trạng nào trong số chúng được xác định, việc quản lý tình trạng y tế đó một cách thận trọng có thể giúp giảm thiểu rủi ro gặp phải các biến chứng trong thai kỳ, bao gồm sinh non. Xét nghiệm OGTT thường được tiến hành ở tuần thai thứ 28.
Phương pháp que bông lấy mẫu âm đạo có thể phát hiện sự hiện diện của Liên Cầu Khuẩn Nhóm B (GBS) trong âm đạo. Mặc dù sự hiện diện của GBS thường không có triệu chứng, nhưng nó có thể lây nhiễm sang em bé trong quá trình sinh nở. GBS có thể gây ra các bệnh viêm nhiễm nghiêm trọng ở phổi và não bộ của em bé. Nếu GBS được phát hiện, bác sĩ sản phụ khoa sẽ kê đơn một liệu trình kháng sinh uống trong quá trình chuyển dạ.
Về cơ bản, bác sĩ sản phụ khoa sẽ là người thích hợp nhất để trao đổi về những buổi kiểm tra sàng lọc trước sinh này. Trong cuộc trò chuyện với bác sĩ, hãy cân nhắc nêu các câu hỏi sau để hiểu rõ ràng hơn các cuộc kiểm tra sàng lọc khác nhau sẽ được tiến hành. Bao gồm:
Kết quả của các xét nghiệm có chính xác ra sao?
Có bất kỳ rủi ro nào cho sức khỏe người mẹ và em bé không, nếu người mẹ tiến hành các buổi kiểm tra sàng lọc?
Việc gì sẽ xảy ra nếu tình trạng bệnh lý hoặc sự bất thường được phát hiện?
Những buổi kiểm tra sàng lọc trước sinh là công cụ có thể giúp các bậc cha mẹ - những người đang mong ngóng đứa con đầu lòng hoặc sắp chào đón thêm thành viên mới, giảm bớt lo âu, và giúp người làm mẹ nhận được sự chăm sóc tiền sản phù hợp. Dưới sự hướng dẫn của các bác sĩ chuyên phụ khoa, bất kỳ thay đổi nào cần thiết cho lối sống trong thai kỳ cũng sẽ được khuyến cáo để đảm bảo cả người mẹ và thai nhi đều khỏe mạnh cho đến ngày dự sinh.