Thay Khớp Gối Toàn Phần: Quy Trình & Hồi Phục

Nguồn: Shutterstock

Thay Khớp Gối Toàn Phần: Quy Trình & Hồi Phục

Cập nhật lần cuối: 10 Tháng Hai 2022 | 5 phút - Thời gian đọc

Viêm xương khớp có thể tác động đến khả năng vận động của bạn, và gây ra đau đớn. Bác sĩ của bạn có thể khuyến nghị tiến hành phẫu thuật thay khớp gối toàn phần. Tìm hiểu thêm về quy trình và quá trình hồi phục này, và quyết định liệu nó có phù hợp với bạn hay không.

Thay khớp gối toàn phần là gì?

Phẫu thuật thay khớp gối toàn phần, hay còn gọi là tạo hình khớp gối, là phẫu thuật thay toàn bộ khớp gối của bạn.

Nó thông thường trở nên cần thiết nếu bạn gặp phải tình trạng viêm xương khớp nghiêm trọng, gây ra đau đớn khi khả năng vận động của bạn bị ảnh hưởng bởi sự xuống cấp của các khớp gối. Chất lượng cuộc sống có thể bị tác động trầm trọng khi bạn gặp khó khăn, và đau đớn khi bước đi, leo cầu thang, và thậm chí khi ngồi xuống hay đứng lên khỏi một chiếc ghế. Bạn thậm chí có thể bị đau khi nghỉ ngơi, điều này cũng có thể ảnh hưởng tới giấc ngủ của bạn. Nếu bạn vẫn cần phải lệ thuộc vào thuốc giảm đau sau khi đã thăm dò tất cả các lựa chọn phi phẫu thuật khác, phẫu thuật thay khớp gối toàn phần, cũng được gọi là tạo hình khớp gối, có thể là lựa chọn có khả năng khôi phục sự vận động bình thường của đầu gối chịu trọng lượng cơ thể mà không gây đau.

Thay khớp gối toàn phần có phù hợp với bạn không

Sự phù hợp với việc thay khớp gối toàn phần
Bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình sẽ quyết định liệu bạn có phải là ứng viên phù hợp hay không sau khi xem xét lịch sử y khoa và kiểm tra kỹ lưỡng các đầu gối của bạn. Chi tiết hơn, họ sẽ nhìn vào phạm vi chuyển động hiện tại, sự ổn định và sức mạnh của (các) đầu gối của bạn. Chụp X-quang (khi bệnh nhân chịu trọng lượng) là cách thông dụng để đánh giá mức độ nghiêm trọng của tổn hại đến các khớp gối của bạn, và trong kế hoạch phẫu thuật. Nếu phẫu thuật được khuyến cáo, bác sĩ của bạn sẽ giải thích tiếp về các chi tiết của quy trình và cho bạn biết nhiều hơn về các lựa chọn ghép nối hiện có.

Quy trình thay khớp gối toàn phần

Chuẩn bị cho phẫu thuật thay khớp gối bao gồm việc khám sức khỏe toàn diện và thực hiện nhiều xét nghiệm để đảm bảo rằng bạn đủ sức khỏe về mặt thể chất để tiến hành phẫu thuật. Bạn cũng sẽ cần thông báo về các thuốc men bạn đang dùng, vì một số thuốc có thể cần được tạm ngưng trước khi phẫu thuật.

Phẫu thuật thay khớp gối thông thường mất từ 1-2 giờ đồng hồ, và nó bao gồm việc cắt bỏ sụn và xương bị tổn thương ở phần cuối của xương đùi, phía trên của xương ống chân, và mặt dưới của xương bánh chè với những đồ gá đặc biệt, rồi thay thế những bề mặt khớp đó bằng hợp kim kim loại và thậm chí cả polymer cao cấp.

Những biến chứng của phẫu thuật thay khớp gối toàn phần

Cũng như bất kỳ phẫu thuật nào, sẽ có những rủi ro và biến chứng. Những rủi ro tiềm tàng từ phẫu thuật thay khớp gối toàn phần bao gồm:

  • Cục máu đông. Cục máu đông có thể xuất hiện trong các tĩnh mạch ở chân. Nếu những cục máu đông này đi đến phổi, chúng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Bác sĩ phẫu thuật của bạn sẽ giải thích các bước bạn có thể thực hiện để ngăn chặn cục máu đông.
  • Nhiễm trùng. Nhiễm trùng có thể xuất hiện ở vết thương hoặc quanh chỗ ghép. Bất kỳ nhiễm trùng nào trên cơ thể bạn cũng có thể lan đến vết thương. Điều trị bao gồm kháng sinh, phẫu thuật thêm, hoặc cắt bỏ phần ghép tùy vào mức độ nghiêm trọng của nhiễm trùng.
  • Bộ phận ghép bị trục trặc. Qua thời gian, bộ phận ghép có thể bị hư hại hoặc có thể bị lỏng ra do hao mòn.
  • Tổn thương thần kinh và mạch máu.
  • Nhồi máu cơ tim
  • Đột quỵ

Quá trình hồi phục sau thay khớp gối toàn phần

Chặng đường sau khi thay khớp gối toàn phần

Hồi phục sau thay khớp gối toàn phần
Bạn có thể sẽ cần phải ở lại bệnh viện từ 3 đến 5 ngày sau khi được thay khớp gối toàn phần, tùy thuộc vào bạn hồi phục tốt ra sao.

Trong giai đoạn ban đầu, điều quan trọng là cần theo dõi tuần hoàn máu ở chân và sự sưng phù của đầu gối. Bạn có thể được cho thuốc làm loãng máu, và được yêu cầu mặc vớ đàn hồi để ngăn ngừa cục máu đông nếu bạn có những yếu tố rủi ro như béo phì, hút thuốc lá, tiền sử có cục máu đông. Tuy nhiên, việc vận động đầu gối và bước đi cùng khung tập đi cũng bắt đầu ngay sau khi phẫu thuật, theo chỉ định của bác sĩ.

Chuyên viên vật lý trị liệu cũng sẽ hướng dẫn bạn làm các bài tập với đầu gối mới của mình, và bạn sẽ cần phải tiếp tục làm các bài tập đó một khi bạn đã về nhà. Hãy chắc chắn bạn hiểu tất cả các chỉ định được hướng dẫn cho bạn trước khi bạn rời bệnh viện, để bạn có thể tiếp tục quá trình hồi phục của mình tốt đẹp khi về nhà.

Hồi phục tại nhà sau khi thay khớp gối toàn phần

Trong khoảng 3 tuần sau phẫu thuật, bạn sẽ cần một số hỗ trợ trong việc quản lý các công việc hằng ngày như nấu nướng, tắm rửa, và việc nhà. Nên hãy chắc chắn bạn có ai đó để giúp đỡ bạn ở nhà. Nếu bạn sống một mình, hãy suy xét đến việc thuê một người chăm sóc ngắn hạn.

Hãy nhờ người chăm sóc của bạn chắc chắn rằng môi trường nhà bạn dễ dàng để bạn di chuyển trong đó, mà không có rủi ro bị ngã hay các tai nạn khác. Suy xét những cải biến sau đây đối với ngôi nhà của bạn:

  • Lắp đặt các thanh vịn an toàn trong phòng tắm hoặc bồn tắm, và một chiếc ghế để bạn có thể ngồi khi tắm.
  • Nếu bạn có bồn cầu ngồi thấp, hãy sắp xếp để có một miếng nâng bồn cầu với tay vịn nhằm giảm thiểu nhu cầu phải cúi xuống.
  • Nếu bạn phải cần sử dụng cầu thang, hãy chắc chắn rằng các tay vịn cầu thang cứng cáp và có thể chịu được sức nặng của bạn.
  • Sử dụng một chiếc ghế thoải mái với phần hỗ trợ ở lưng và nâng chân của bạn lên một chiếc ghế nhỏ khi bạn ngồi.
  • Loại bỏ tất cả những thứ có thể làm bạn vấp ngã, như thảm trải lỏng hay dây điện.

Vật lý trị liệu sau khi thay khớp gối

Đây là một thành phần rất quan trọng trong giai đoạn hồi phục sau phẫu thuật. Bạn thực hiện tốt ra sao đối với những bài tập được hướng dẫn sẽ quyết định bạn sẽ hồi phục tốt như thế nào và nhanh ra sao.

Bạn có thể được cung cấp dụng cụ hỗ trợ giữ cố định đầu gối nhằm làm ổn định đầu gối khi bạn thực hiện các bài tập, và bạn cũng có thể được cho sử dụng máy động học thụ động liên tục (CPM), vốn thường xuyên di chuyển đầu gối qua nhiều mức độ khác nhau của phạm vi chuyển động trong nhiều giờ đồng hồ, khi bạn thư giãn. Điều này có thể hỗ trợ cải thiện tuần hoàn máu và giảm thiểu việc tạo sẹo, và sự co rút mô quanh đầu gối.

Khi bạn bắt đầu di chuyển xung quanh dễ dàng hơn, bạn có thể sử dụng một khung tập đi hay nạng để hỗ trợ di chuyển. Cuối cùng, chuyên viên vật lý trị liệu sẽ đưa bạn đến thực hiện những bài tập nhằm làm săn chắc các cơ bắp đùi và bắp chân của bạn. Điều này cực kỳ quan trọng cho những kết quả chức năng thỏa đáng sau cuộc phẫu thuật thay khớp gối.

Cuộc sống sau khi thay khớp gối

Bạn nên có khả năng quay lại nhịp sống sinh hoạt bình thường của mình xấp xỉ sau 6 tuần kể từ khi phẫu thuật, và quản lý các hoạt động hằng ngày như mua sắm và việc nhà. Nếu bạn có thể gập đầu gối đủ xa ở giai đoạn này, và không còn dùng thuốc giảm đau gây nghiện, bạn cũng có thể bắt đầu lái xe trở lại.

Hãy cẩn trọng và xác định những kỳ vọng quanh những việc bạn có thể làm khi bạn hồi phục. Bạn nên nhắm đến những hoạt động có tác động nhẹ ở giai đoạn này, như đi bộ, bơi lội, chơi golf, hoặc đạp xe tại chỗ. Những hoạt động có tác động mạnh và gắng sức như chạy bộ, chơi các môn thể thao mang tính cạnh tranh nên được tránh, vì chúng sẽ đưa quá nhiều căng thẳng lên khớp nhân tạo và có rủi ro tổn hại đến khớp.

Nếu bạn cảm thấy đau đầu gối đi kèm với tình trạng cứng khớp và vận động giảm sút, hãy tham vấn một bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình để đánh giá tình trạng của bạn và tìm hiểu thêm về các lựa chọn điều trị khác.

Knee replacement. Retrieved 7/7/20 from https://www.mayoclinic.org/tests-procedures/knee-replacement/about/pac-20385276

Total knee replacement. Retrieved 7/7/20 from https://www.medicinenet.com/total_knee_replacement/article.htm

Total Knee Replacement. (2020, June) Retrieved December 29, 2021, from https://orthoinfo.aaos.org/en/treatment/total-knee-replacement/
Bài viết liên quan
Xem tất cả