Cúm dạ dày & ngộ độc thực phẩm (Viêm đường tiêu hóa) - Chẩn đoán và Điều trị

Viêm đường tiêu hóa được điều trị như thế nào?

Trong đa số các trường hợp, viêm đường tiêu hóa sẽ tự khỏi. Đối với các triệu chứng nặng hoặc kéo dài, kháng sinh có thể được chỉ định nếu bệnh viêm đường tiêu hóa không phải do vi-rút gây ra.

Đối với viêm đường tiêu hóa ở trẻ nhỏ, tránh dùng thuốc không kê đơn để ngừng nôn hoặc tiêu chảy. Hãy đưa trẻ đi khám bác sĩ nếu các triệu chứng không đỡ hoặc nếu trẻ không thể giữ nước.

Xử trí các triệu chứng nhẹ

Cách xử trí các triệu chứng nhẹ của viêm đường tiêu hóa:

  • Tăng lượng tiêu thụ chất lỏng nhưng uống từng lượng nhỏ, thường xuyên. Cố gắng uống nước mỗi 30 phút – 1 giờ. Không uống quá nhiều một lúc để tránh bị nôn. Một cách thay thế nước là kem que đông lạnh.
  • Bù nước với các chất điện giải. Các dung dịch bù nước đường uống hoặc đồ uống cho người tập thể thao có thể giúp bù nước cũng như các chất điện giải. Tuy nhiên, cố gắng tránh đồ uống có đường. Nếu bạn đang chăm sóc một trẻ sơ sinh, hãy hỏi bác sĩ để tìm loại dung dịch nào tốt nhất cho trẻ sơ sinh.
  • Ăn các loại thức ăn dễ tiêu hóa. Sau khi đỡ nôn, hãy ăn các loại thức ăn dễ tiêu hóa như cơm, khoai tây, bánh mì nướng và chuối. Từ từ trở lại với chế độ ăn uống bình thường khi bạn bắt đầu cảm thấy khỏe hơn. Tránh rượu bia, cà phê và thức ăn nhiều đường hoặc chất béo.
  • Cân nhắc dùng men vi sinh.
  • Nghỉ ngơi nhiều.

Khi nào bạn cần chăm sóc y tế?

Nếu triệu chứng kéo dài, hoặc nếu nghi ngờ, hãy thảo luận với bác sĩ hoặc đến khám tại Khoa Cấp cứu.

Nếu con bạn bị tiêu chảy hơn 1 tuần, hãy loại bỏ sữa và tất cả các sản phẩm từ sữa trong khoảng 2 tuần. Điều này là vì một số trẻ có một thời gian ngắn không dung nạp được sữa sau một đợt viêm đường tiêu hóa kéo dài. Các dạng thay thế sữa bao gồm sữa đậu nành hoặc sữa công thức không chứa lactose.

Trang này đã được kiểm duyệt.

Bạn cần trợ giúp?


Để biết thêm thông tin, vui lòng gọi
+65 6575 7575

Để đặt lịch hẹn, vui lòng dùng WhatsApp
+65 8111 9777