Bác sĩ Kannan Kaliyaperumal, chuyên gia phẫu thuật chỉnh hình, giới thiệu cách xác định và điều trị gãy xương ở trẻ.
Các loại gãy xương phổ biến ở trẻ là gì?
Hầu hết các ca gãy xương ở trẻ đến từ chấn thương nhẹ đến vừa phải xảy ra trong khi vui chơi hoặc tập luyện thể thao. Vùng cánh tay là khu vực gãy xương phổ biến nhất.
Các vị trí gãy xương thường thấy khác ở trẻ bao gồm:
Gãy xương khuỷu tay (supracondylar fracture). Gãy xương ở khuỷu tay, hoặc gãy xương “thanh leo trèo” khá phổ biến ở trẻ từ 4 đến 7 tuổi.
Gãy xương đòn hoặc xương vai. Gãy xương đòn thường gặp sau va chạm hoặc vấp ngã ở vai. Tình trạng này có thể xảy ra trong khi tham gia thể thao hoặc khi trẻ ngã khỏi dụng cụ chơi ở sân chơi, hoặc ngã xuống từ giường.
Gãy cổ tay. Gãy cổ tay là loại gãy xương cánh tay thường gặp nhất. Loại gãy xương phổ biến nhất liên quan đến xương lớn hơn trong phần cẳng tay (xương quay - radius). Tình trạng này thường xảy ra khi trẻ ngã và chống tay xuống, với bàn tay ngửa ra sau, hoặc gặp phải ở các trẻ chơi thể thao đối kháng, đạp xe, và trượt tuyết.
Gãy xương đùi. Xương đùi là xương dài nhất, to nhất, nặng nhất, và khỏe nhất trong cơ thể, chính vì thế, gãy xương đùi chỉ xảy ra khi gặp phải lực tác động rất lớn. Dù vậy, gãy xương đùi ở trẻ không phải là không phổ biến.
Gãy đầu gối. Gãy đầu gối có thể liên quan đến xương bánh chè, xương ống chân (xương chày), hoặc xương đùi tại nơi các xương nối với khớp gối. Gãy đầu gối thường do các nguyên nhân như ngã đầu gối xuống đất, hoặc tai nạn xe.
Gãy cổ chân. Gãy xương mắt cá chân ở trẻ thường ảnh hưởng đến xương ống chân (xương chày) và xương mác, hai trong các xương dài tạo nên khớp mắt cá chân. Rất nhiều ca gãy mắt cá chân xảy ra khi chân trẻ bị cố định và bất ngờ bị xoay vặn, như trong các môn bóng đá, hockey, và bóng rổ. Gãy mắt cá chân cũng gây ra do các tai nạn rơi từ bạt lò xo hoặc xích đu.
Nếu bạn nghĩ con mình có thể cần được điều trị do gãy xương, hãy nói chuyện với bác sĩ chuyên khoa chỉnh hình.
Làm thế nào để phân biệt bong gân đơn giản với gãy xương?
Ở cả hai tình trạng bong gân và gãy xương, đều có các biểu hiện đau, sưng, và khó khăn trong việc cử động vùng bị chấn thương như bình thường. Trong trường hợp gãy xương, còn có thể kèm theo các triệu chứng khác.
Triệu chứng gãy xương ở trẻ
Biến dạng dáng xương (có hình dạng bất thường)
Khó chịu khi đặt trọng lượng lên vùng bị chấn thương
Bầm tím, ấm nóng, hoặc đỏ da kéo dài
Nguyên nhân dẫn đến gãy xương ở trẻ
Gãy xương xảy ra khi xương chịu tác động của một lực mạnh hơn khả năng chịu đựng của xương. Xương yếu nhất khi bị xoắn vặn. Việc sử dụng quá mức, ngã, chấn thương, hoặc bị đập trực tiếp vào cơ thể đều có thể khiến xương gãy.
Rủi Ro Gãy Xương Ở Trẻ
Gãy xương thường gắn liền với các tác nhân sau đây:
Tai nạn thể thao
Ngã từ độ cao
Tai nạn
Thiếu dinh dưỡng
Chế độ ăn ít can-xi
Béo phì
Có một vài bước bạn có thể thực hiện để giảm khả năng con mình bị gãy xương
Đảm bảo bé luôn mặc các thiết bị bảo hộ thích hợp khi tham gia vào bất kỳ trò chơi hoặc hoạt động ngoài trời nào.
Can-xi và Vitamin D là các viên gạch cho xương khỏe mạnh. Đảm bảo trẻ có chế độ ăn lành mạnh và đủ chất sẽ chắc chắn rằng các con được bổ sung lượng khoáng chất này dồi dào.
Hạn chế thức uống có ga và soda để hỗ trợ sức khỏe xương
Khích lệ bé luôn vận động và chơi nhiều môn thể thao khác nhau. Việc chỉ chơi một môn thể thao duy nhất quanh năm khiến cho các xương khớp phải chịu áp lực liên tục, từ đó gia tăng rủi ro chấn thương từ vận động quá mức.
Chuẩn đoán gãy xương ở trẻ
Bác sĩ sẽ khởi đầu bằng việc đánh giá vùng bị chấn thương và hỏi về diễn biến gây tai nạn. Bác sĩ cũng có thể kiểm tra khả năng cử động của phần chi thể bị tổn thương ở bé. Đôi khi, bác sĩ có thể chẩn đoán dựa trên các triệu chứng mà bé biểu hiện. Thông thường, có thể cần đến một trong các loại xét nghiệm hình ảnh sau đây để xác định chẩn đoán:
X-quang. Loại chụp hình thường được chỉ định nhất trong chẩn đoán gãy xương.
Chụp cộng hưởng từ (MRI). Loại chụp hình này có thể được chỉ định trong trường hợp gãy xương ở sụn tiếp hợp (growth plate) — vùng mô mềm — một loại chấn thương có thể không thể hiện trên phim X-quang.
Chụp cắt lớp vi tính (CT). CT cung cấp hình ảnh ba chiều. Loại xét nghiệm này được ưu tiên sử dụng để đánh giá các chấn thương vùng đầu, cột sống, và gãy xương chậu.
Tôi cần làm gì ngay lập tức nếu nghi ngờ con mình bị gãy xương?
"Tìm trợ giúp y tế ngay lập tức nếu con bạn có bất kỳ biểu hiện nào của gãy xương.
](/vi/urgent-care-centre/overview Khoa Cấp cứu)"
Chườm lạnh bằng gạc vải. Cố định vùng bị chấn thương càng sớm càng tốt bằng cách giữ nguyên chi thể bị thương ở vị trí như khi bạn thấy.
Một chuyên gia chỉnh hình có thể chuẩn đoán thông qua xem xét lâm sàng và chụp X-quang.
Cần điều trị như thế nào ở trẻ em bị gãy xương?
Xương của trẻ em đang phát triển có khả năng uốn cong và phục hồi tốt. Xương trẻ con lành nhanh và rất có khả năng điều chỉnh hình dạng sau chấn thương.
Gãy xương ở trẻ em thường được điều trị bằng các cách sau:
Nẹp hoặc băng bột. Gần 90% trường hợp gãy xương ở trẻ được điều trị bằng nẹp băng bột để cố định vùng gãy xương, ngăn không cho xương cử động. Cố định xương giúp xương có thể lành tốt hơn.
Thuốc. Trẻ thường bị đau khi bị gãy xương. Có một số thuốc không kê toa như paracetamol hoặc ibuprofen, hoặc thuốc kê toa được bác sĩ chuyên khoa cho trẻ dùng có thể giúp giảm đau.
Kéo giãn chỉnh xương. Có thể dùng biện pháp kéo giãn để lấy lại vị trí xương bị gãy một cách nhẹ nhàng bằng cách sử dụng tạ, ròng rọc, và dây chão. Kiểu kéo giãn nào sẽ được sử dụng phụ thuộc vị trí và mức độ nghiêm trọng của gãy xương, cùng với khối lượng lực cần dùng. Ngày này, kéo giãn ít phổ biến hơn và chủ yếu được sử dụng như một giải pháp tạm thời trước khi phẫu thuật.
Phẫu thuật. Bé nhà bạn có thể cần đến phẫu thuật để điều trị một số loại gãy xương cụ thể. Hầu hết các ca, chỉ cần cố định bằng dây ghim để cố định vị trí xương, cùng với bó bột. Điều này giúp xương lành ở vị trí đúng.
Khi được bó bột (cast), trẻ vẫn có khả năng di chuyển và vẫn có thể đi học.
Thời gian phục hồi thông thường sau khi gãy xương là bao lâu?
Loại gãy xương đơn giản, không biến chứng ở trẻ thông thường lành trong vòng 3-4 tuần. Hầu hết các ca sẽ được tái chụp X-quang sau 6 tuần.
Gãy xương ở trẻ em khác gì so với gãy xương ở người lớn?
Có hai loại gãy xương ở người lớn. Đó là:
Chấn thương năng lượng cao như các chấn thương thể thao hoặc tai nạn giao thông ở bệnh nhân trẻ hơn.
Ở những bệnh nhân lớn tuổi hoặc cao tuổi, chấn thương năng lượng thấp cũng có thể gây ra gãy xương vì xương đã bị loãng xương (yếu xương). Các khu vực dễ bị tổn thương là cổ tay, cột sống, và xương hông.
Điều trị gãy xương ở người lớn
Gãy xương ở người lớn được điều trị khác đi — có thể cần đến phẫu thuật nếu xương bị lệch hoặc gãy góc. Loại gãy xương đơn giản có thể được điều trị bằng bó bột.
Các ca gãy xương phức tạp hơn có thể cần đến phẫu thuật để cố định xương. Điều này được thực hiện bằng cách dùng các tấm kim loại và đinh vít chỉnh hình.
Bệnh nhân loãng xương, những người cao tuổi hoặc có khối lượng xương thấp cần dùng thuốc để tăng cường sức khỏe xương.
Fractures. (n.d.) Retrieved November 29, 2021, from https://www.childrenshospital.org/conditions-and-treatments/conditions/f/fractures
Knee Fractures. (n.d.) Retrieved November 29, 2021, from https://www.nicklauschildrens.org/conditions/knee-fractures
Wrist Fracture. (n.d.) Retrieved November 29, 2021, from https://www.chop.edu/conditions-diseases/wrist-fracture
Fracture: Is Your Child at Risk? (2018, March 16) Retrieved November 29, 2021, from https://health.clevelandclinic.org/fractures-is-your-child-at-risk/
Could My Child Have a Broken Bone? (2019, September 10) Retrieved November 29, 2021, from https://www.webmd.com/children/guide/spot-child-broken-bones
Fracture Education. (n.d.) Retrieved November 29, 2021, from https://www.rch.org.au/fracture-education/evaluation/Evaluation_/
Fractures. (n.d.) Retrieved November 29, 2021, from https://www.urmc.rochester.edu/childrens-hospital/orthopaedics/conditions-we-treat/fractures.aspx
Việc lắp một khớp gối mới nghe có vẻ như khoa học viễn tưởng vào một vài thập kỷ trước, nhưng việc thay toàn bộ khớp gối ngày nay đã trở thành một thủ thuật tương đối phổ biến.
Không phải ai tham gia chơi thể thao cũng biết về những rủi ro đi kèm – cho đến khi họ bị chấn thương. Dưới đây là danh sách 5 chấn thương thể thao nghiêm trọng đứng đầu và cách thức điều trị chúng.
Các biến chứng do tiểu đường và Bệnh Động Mạch Ngoại Vi thường dẫn đến việc bệnh nhân mất đi phần chi thể, nhưng thực tế điều này không phải là không thể tránh được.
Các vận động viên chuyên nghiệp tích lũy vô số chấn thương trong suốt sự nghiệp. Cầu thủ Wong Wei Long của Singapore Slinger chia sẻ cách anh tối thiểu hóa các chấn thương thể thao tại nơi làm việc.
Hiểu biết về các rủi ro giúp bạn có cách phòng tránh tốt hơn. Sau đây là một vài chấn thương thường gặp bạn nên cẩn trọng khi tham gia các môn thể thao yêu thích.
Đau lưng ngày càng trở nên phổ biến trong giới nhân viên văn phòng, những người ngồi cả ngày. Tìm hiểu thêm về 3 phương pháp điều trị cột sống có thể giúp điều trị các vấn đề ở lưng.